Mới đây, ngày 26/09/2024, Viện Nghiên cứu Đào tạo Phát triển Âm nhạc Việt Nam đã ký hợp tác thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Phenikaa.
Tham dự buổi lễ, về phía Viện Nghiên cứu Đào tạo Phát triển Âm nhạc Việt Nam có ông Bùi Công Thơm – Viện trưởng, bà Trần Hồng Hoa – Viện phó cùng đại diện các Phòng, Ban của Viện. Về phía Trường Đại học Phenikaa có PGS.TS Trần Thị Minh Hòa – Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo đại diện các Phòng, Ban, Khoa liên quan.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa nhấn mạnh về tầm quan trọng của hoạt động nghệ thuật để giảm căng thẳng cho sinh viên trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng. “Việc đưa các hoạt động biểu diễn nhạc cụ truyền thống vào Trường sẽ tạo ra những giờ sinh hoạt ngoại khóa bổ ích, giúp sinh viên giải tỏa áp lực và khơi gợi niềm đam mê với các loại hình nghệ thuật cổ truyền“, bà Hòa, Phó Hiệu trưởng trường bày tỏ.
Bên cạnh đó, ông Bùi Công Thơm, Đại diện Viện Nghiên cứu Đào tạo Phát triển Âm nhạc Việt Nam đã chia sẻ về hành trình 27 năm giảng dạy bộ môn sáo trúc và mong muốn lan tỏa, phát triển niềm đam mê sáo trúc nói trúc nói riêng, cũng như âm nhạc nói chung. Ngoài ra, ông cũng giới thiệu thêm về dự án “Lớp học đồng hành” áp dụng chuyển đổi số, với thời gian đào tạo linh hoạt và cam kết hiệu quả học tập.
Kết thúc phiên trao đổi và thảo luận, hai bên đã thống nhất và tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác. Trong đó, Trường Đại học Phenikaa mong muốn Viện Nghiên cứu Đào tạo Phát triển Âm nhạc Việt Nam hỗ trợ trong một số lĩnh vực như: tham gia các hoạt động văn hóa của Trường, tư vấn sắp xếp trưng bày không gian văn hóa nghệ thuật truyền thống, mở các khóa tập huấn, lớp đào tạo về âm nhạc và phát hiện, ươm mầm tài năng trẻ có triển vọng.
Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng trong việc mở rộng quan hệ đối tác, giúp cả hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy các hoạt động hợp tác khác trong tương lai.
Lễ ký kết hợp tác này đánh dấu khởi đầu cho một hành trình hợp tác lâu dài và đầy hứa hẹn. Cả hai bên đều kỳ vọng đây sẽ là cơ hội lớn cho sinh viên, cán bộ giảng viên được nâng cao đời sống tinh thần, giao lưu học hỏi và tiếp cận với âm nhạc truyền thống. Qua đó, truyền tải thông điệp rằng âm nhạc không chỉ mang mục đích giải trí mà còn là một kỹ năng mềm có thể tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.